Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%.
Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 6/12, trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,85 tỷ USD, giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,88 tỷ USD, giảm 5,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11, tăng 8,2%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 13,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.
Tính chung, 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Trong 11 tháng năm 2024, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sơ bộ đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%; nhóm hàng nông sản, lâm sản sơ bộ đạt 31,35 tỷ USD, chiếm 8,4%; nhóm hàng thủy sản sơ bộ đạt 9,17 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Đối với nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,38 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,29 tỷ USD, giảm 3,0%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Một tăng 9,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,8%.
Tính chung, 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
Trong 11 tháng năm 2024 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu mười một tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 323,72 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,2%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng sơ bộ đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa mười một tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 95,4 tỷ USD tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 32,0 tỷ USD, tăng 21,1%; xuất siêu sang Nhật Bản 2,6 tỷ USD, tăng 70,0%; nhập siêu từ Trung Quốc 75,0 tỷ USD, tăng 67,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,7 tỷ USD, tăng 5,2%; nhập siêu từ ASEAN 8,6 tỷ USD, tăng 13,3%.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất, thời gian tới, các bộ, ngành cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp như: nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước…/.