(PLVN) - Đông Nam Bộ đang khẳng định vai trò trung tâm logistics quốc gia, với hệ thống 14.800 doanh nghiệp logistics năng động, đóng vai trò xương sống của chuỗi giá trị sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân.
Cửa ngõ giao thương lớn nhất cả nước
Giữa những guồng quay công nghiệp hối hả, logistics vùng Đông Nam Bộ nổi lên như chiếc trục bánh răng khổng lồ, giúp vận hành nhịp nhàng cỗ máy kinh tế tư nhân, đưa hàng hóa lan tỏa khắp các vùng miền và vươn mình ra thế giới. Trong bức tranh kinh tế đa sắc của vùng đất này, logistics không chỉ là chất truyền dẫn kết nối mà còn là “xương sống” của chuỗi giá trị sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu, tạo đòn bẩy mạnh mẽ để kinh tế tư nhân bứt phá.
Hiện Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp logistics, chiếm gần 50% toàn quốc
Đông Nam Bộ được thiên nhiên ưu ái vị trí chiến lược, hội tụ đủ 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển. Đây là vùng đất “vàng” kết nối kinh tế quốc nội và quốc tế, giữ vai trò then chốt trong phát triển logistics và dịch vụ vận tải đa phương thức. Với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các tuyến cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, sân bay quốc tế Long Thành, vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm logistics của cả nước, nơi mỗi container, mỗi chuyến hàng được khơi thông, mở đường cho hàng hóa Việt Nam đến khắp năm châu.
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước, một con số ấn tượng, cho thấy sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của kinh tế tư nhân địa phương. Những doanh nghiệp này không chỉ là “bến đỗ” cho hàng hóa mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ các ngành công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và xuất nhập khẩu đã mở ra những cơ hội vàng cho ngành logistics. Thị trường tiêu dùng mở rộng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao kéo theo sự bùng nổ dịch vụ logistics. Các trung tâm logistics, kho bãi thông minh, dịch vụ vận tải đa phương thức, thương mại điện tử xuyên biên giới… đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” thu hút doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.
Ông Lê Bạch Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai (bên trái) cho rằng cần chính sách tín dụng ưu đãi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn hiện đại hóa kho bãi, phương tiện vận tải và công nghệ số
Logistics không chỉ là ngành dịch vụ độc lập mà còn là “bệ đỡ” kết nối các ngành kinh tế trọng điểm. Các khu công nghiệp hiện đại tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang phát triển vượt bậc, nhu cầu logistics ngày càng cao để vận chuyển nguyên vật liệu, linh kiện, thành phẩm. Hệ thống logistics hiện đại giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu hóa tồn kho, giảm chi phí vận hành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.
Đặc biệt, logistics còn đóng vai trò chiến lược trong thương mại và xuất nhập khẩu. Với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 30% cả nước, Đông Nam Bộ là “trạm trung chuyển” hàng hóa xuất khẩu. Việc giảm chi phí logistics sẽ giúp giá thành sản phẩm Việt Nam cạnh tranh hơn, mở rộng thị phần và khẳng định vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế.
Vượt qua thách thức, vươn tầm quốc tế
Tuy nhiên, ngành logistics Đông Nam Bộ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Chi phí logistics cao (khoảng 20% GDP, gấp gần 2 lần so với các nước phát triển) đang “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Hạ tầng kết nối giữa các phương thức vận tải chưa đồng bộ; tắc nghẽn giao thông tại các tuyến đường chính như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện đang làm gián đoạn dòng chảy logistics.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, kỹ năng số và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa chưa tương xứng với tiềm năng. Sự kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn chưa thực sự chặt chẽ, thiếu dịch vụ vận tải đa phương thức chất lượng cao khiến doanh nghiệp khó tận dụng tối ưu chuỗi cung ứng. Đặc biệt, thủ tục hải quan, giấy tờ vận tải quốc tế còn rườm rà, gây tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cảng Cái Mép-Thị Vải kết nối sân bay Long Thành sẽ hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Để giải quyết những điểm nghẽn trên, ngành logistics Đông Nam Bộ cần được phát triển đồng bộ trong tổng thể kinh tế vùng, gắn chặt với các ngành công nghiệp, nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và các Nghị quyết Trung ương về đột phá hạ tầng, chuyển đổi số, cải cách thể chế chính là nền tảng then chốt, mở ra cơ hội để logistics bứt phá.
Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, các tuyến cao tốc kết nối vùng; phát triển các trung tâm logistics và ICD hiện đại. Song song đó, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, gắn đào tạo với thực tiễn doanh nghiệp và nhu cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, logistics xanh để nâng cao hiệu quả và giảm phát thải carbon.
Ông Lê Bạch Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Để logistics thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ, cần ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng và thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần có các chính sách tín dụng phù hợp để doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư hiện đại hóa kho bãi, phương tiện vận tải và công nghệ số. Đồng thời, cần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế bền vững hơn.”
Giữa những cơ hội và thách thức đan xen, logistics vùng Đông Nam Bộ đang đứng trước bước ngoặt lịch sử. Với nền tảng 14.800 doanh nghiệp logistics năng động, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và địa phương, logistics chắc chắn sẽ trở thành “chìa khóa vàng” đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm logistics quốc gia, thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.